Lịch sử hình thành Tổng_công_ty_Công_nghiệp_Tàu_thủy

Manh nha thành lập tổng công ty đã có từ lâu trên cơ sở chỉ đạo của trung ương về tổ chức lại ngành công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam - Một ngành đã có truyền thống rất lâu đời ở Việt Nam. Tiền thân của tập đoàn là Tổng Công ty 91 được thành lập từ năm 1996.

Tổng Công ty 91 được thành lập vào ngày 31 tháng 1 năm 1996. Căn cứ vào Quyết định số 69/TTg ngày 31 tháng 1 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

Ngày 15 tháng 5 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 103/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn kinh tế, đa sở hữu, trong đó sở hữu Nhà nước chi phối, trên cơ sở sắp xếp tổ chức lại Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin).[3]

Và ngày 15 tháng 5 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 104/2006/QĐ-TTg về việc thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Theo Quyết định này, Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam được thành lập trên cơ sở tổ chức lại cơ quan quản lý, điều hành và các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.[3] Sự kiện này đánh dấu chính thức tập đoàn Vinashin ra đời.

Như vậy tập đoàn Vinashin ra đời căn cứ vào các văn bản pháp luật của nhà nước trên cơ sở chỉ đạo của trung ương về việc tổ chức lại ngành công nghiệp tàu thuỷ của Việt Nam để đáp ứng yêu cầu hội nhập hiện nay.

Vinashin từng là một trong 17 Tổng công ty lớn nhất Việt Nam. Tổng số tài sản của công ty khoảng 90.000 tỷ đồng (nhưng vay nợ tới hơn 80.000 tỷ tương đương với hơn 4 tỷ USD), sau khi nhiều dư luận phản ánh, Chính phủ Việt Nam đã cho tái cơ cấu Vinashin, một số dự án sẽ chuyển về Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).[4] Vụ án kinh tế Tập đoàn Vinashin là vụ kinh tế lớn nhất hiện nay tại Việt Nam, với thất thoát hàng chục nghìn tỷ VND. Vẫn chưa thể thống kê đủ và hết những hậu quả nặng nề về kinh tế- xã hội do những con tàu Vinashin để lại. Tuy nhiên, các thống kê ban đầu cho thấy với hơn 4 tỷ USD thất thoát của Vinashin đã gấp 4 lần gói kích cầu của Chính phủ trong nỗ lực phục hồi kinh tế trong cơn khủng hoảng suy thoái năm 2008, gấp 3 lần tổng mức đầu tư cho chương trình xóa đói giảm nghèo cả nước.[5] Đây là lý do Chính phủ Việt Nam phải tiến hành tái cơ cấu tập đoàn này. Một số công ty thành viên bị cho phá sản, giải thể.

Giải thể tập đoàn

Tháng 10 năm 2013, Bộ Giao thông vận tải quyết định đưa Vinashin từ một tập đoàn kinh tế nhà nước trở lại thành một tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Công ty mẹ tức Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tổng số vốn điều lệ lúc thành lập (tháng 10 năm 2013) là 9.520 tỷ đồng. Lý do giải thể tập đoàn là: "yếu kém trong sản xuất kinh doanh và quản trị, hiệu quả thu về không tương xứng với nguồn lực được Nhà nước giao."[6]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tổng_công_ty_Công_nghiệp_Tàu_thủy http://boxitvn.wordpress.com/2010/08/19/vinashin-c... http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20131111-su-pha-sa... http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/07/3BA1DA1... http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2010/07/3ba1de9... http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2010/11/3ba2326... http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/giang-kim-d... http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghie... http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghie... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2011/11/1... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2012/02/1...